Chuyên gia cho rằng, hiện nay bất động sản đang ở đáy chu kỳ, do đó nếu lãi suất tăng ở mức vừa phải cũng không có tác động tiêu cực tới thị trường.
Từ ngày 21/6, ngân hàng Eximbank đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm cho một số kỳ hạn ngắn. Theo biểu lãi suất tiền gửi online, Eximbank tăng 0,2%/năm lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 6-9 tháng, lên mức 4,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn khác được giữ nguyên. Hiện lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng-24 tháng dao động từ 3,5%/năm-5,2%/năm. Đây là lần thứ ba Eximbank nâng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn trong tháng 6, sau khi điều chỉnh tăng vào ngày 7/6 và 14/6.
Bên cạnh đó, ngân hàng ACB áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng trung bình từ 0,2-0,4%/năm. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 6. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng đến 12 tháng dao động ở mức 2,8%/năm – 4,7%/năm áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 200 triệu đồng. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại ACB là 4,9%/năm, áp dụng cho tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng tại kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng như LPBank, TPBank, Techcombank,… cũng đã tăng lãi suất huy động từ 0,1 – 0,3% cho các kỳ hạn từ 1 – 36 tháng.
Việc các nhà băng rục rịch tăng lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản đang sử dụng đòn bẩy tài chính tỏ ra lo lắng. Thực tế, năm 2022, khi lãi suất huy động liên tục tăng cao kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư bất động sản khi đó có phần e ngại xuống tiền, khiến thị trường rơi vào trầm lắng.
Đang vay 3 tỷ đồng để đầu tư bất động sản, Anh Nguyễn Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra lo lắng nếu lãi suất cho vay tăng cao trở lại. Theo anh Thanh, năm 2021, anh mua 3 mảnh đất ở vùng ven Hà Nội với tổng giá trị 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì khi đó thị trường đang sôi động nên dù chỉ có 5 tỷ, anh vẫn sẵn sàng vay ngân hàng số tiền còn thiếu.
“Trải qua năm 2022 với mức lãi suất cao, tôi đã phải vay mượn bạn bè để cố gồng, giữ lại đất chờ thị trường khởi sắc. Bây giờ nếu lãi suất tăng ở mức vừa phải tôi vẫn có thể chi trả. Nhưng nếu tăng cao cũng là điều đáng lo, có thể phải chấp nhận bán bớt”, anh nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng bối cảnh thị trường bất động sản đã khác, giá không còn cao nên sẽ không bị tác động tiêu cực như thời điểm trước.
Theo TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thực tế việc tăng lãi suất không có lợi cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang ở đáy chu kỳ. Do đó, nhà đầu tư không cần lo lắng tới câu chuyện tăng lãi suất ở thời điểm này.
“Nếu như thị trường đang trong nhịp diễn biến sôi động, chính sách tiền tệ có sự điều chỉnh nhẹ cũng sẽ gây nhạy cảm tới bất động sản. Nhưng hiện nay, giá đất cũng đã thấp hơn so với đỉnh khá nhiều. Hơn nữa, hiện nay mua vào bất động sản đều là nhà đầu tư sẵn tiền mặt, còn những người sử dụng đòn bẩy tài chính họ đã cơ cấu xong. Do đó, tôi cho rằng nếu lãi suất tăng ở mức chấp nhận được cũng sẽ không tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản”, ông Đính nói.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng: “Lúc lãi suất huy động giảm thị trường bất động sản còn không có xung lực tăng trưởng thì lúc lãi suất tăng cũng sẽ không có nhiều tác động đến thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản hiện nay khác với thời điểm trước đây ở mặt bằng giá”.
Theo ông Hiện, thị trường hiện giờ đã qua thời mua cao bán cao, lý do là giá đã được đẩy lên quá cao. Tuy nhiên, mức giá cao nhưng giá trị khai thác trên bất động sản đó lại thấp. Đối với nhà đầu tư cá nhân thực tế vẫn còn chùn tay khi xuống tiền vào nhà đất, chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên mua bán nhà đất vẫn ít giao dịch. Trong khi đó, nhà đầu tư nhà đất lướt sóng không dám xuống tiền, còn nhà đầu tư nhà đất trung hạn vẫn còn quan sát.
Do đó, theo ông Hiển, dù lãi suất huy động có biến động nhưng cũng không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.